Ôn thi thuế 2017: Khái niệm thuế giá trị gia tăng.
Điều 2 Luật thuế giá trị gia tăng đưa ra khái niệm: “Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng”

Từ khái niệm của thuế giá trị gia tăng, nếu phân tích một chút sẽ thấy một số vấn đề giúp ta có kiến thức cơ bản về loại thuế này như sau:

a) Thuế: Là một khoản trích nộp bằng tiền, có tính chất xác định, không hoàn trả trực tiếp do các công dân đóng góp cho nhà nước thông qua con đường quyền lực nhằm bù đắp những chi tiêu của Nhà Nước

b) Phần giá trị tăng thêm, phát sinh
• Phần giá trị tăng thêm = Giá trị gia tăng
• Giá trị gia tăng được định nghĩa là giá trị đầu ra của nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ trừ đi giá trị hàng hóa, dịch vụ trung gian mà nhà sản xuất, cung ứng mua để làm thành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đầu ra.
• Trường hợp không có GTGT thì sẽ không phải nộp thuế GTGT hoặc nếu có GTGT âm thì được hoàn thuế GTGT. Đây là điểm ưu việt vượt trội của thuế GTGT nhằm tạo ra tính công bằng, hợp lý cho đối tượng nộp thuế

c) Hàng hóa, dịch vụ
• Phải thông qua sức lao động để sản xuất ra và được mua bán, trao đổi
• Được sản xuất ra nhưng không mua bán, trao đổi mà sử dụng cho bản thân thì không bị tính thuế (sản xuất và tiêu dùng tại nhà)
• Sự loại trừ này có thể dẫn đến kết quả bất hợp lý. Ví dụ: Phương nấu phở rất ngon. Do đó Phương mở một cửa hàng phở ngay mặt bằng nhà mình. Phở Phương nấu ra và những thành viên trong gia đình sử dụng thì không bị tính thuế, nhưng nếu Hoàng đến cửa hàng và sử dụng phở của Phương thì bị tính thuế. Bây giờ Hoàng và Phương kết hôn thì Hoàng không bị tính thuế khi sử dụng phở của Phương. Lúc đó tổng số thuế GTGT động viên vào NSNN bị giảm xuống.

d) Sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng
• Được sản xuất ra và được lưu thông mua bán hợp pháp + có hóa đơn, chứng từ theo quy định

e) Tiêu dùng: là chi tiêu của cá nhân, hộ gia đình cho các hàng hóa, dịch vụ
• Câu hỏi: Vậy cuối cùng thuế GTGT đánh vào hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình phải không? Còn cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ thì sao?
• Câu hỏi: Cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ đóng vai trò như thế nào trong chu trình của thuế giá trị gia tăng?
• Câu hỏi: Trung gian và cuối cùng khác nhau như thế nào? Người trung gian và người cuối cùng tiêu dùng ai sẽ gánh chịu thuế GTGT?

Tóm lại:
• Đánh vào giá trị giá tăng của hàng hoá, dịch vụ phát sinh ở từng khâu trong quá trình luân chuyển từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng
• Đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa được tiêu dùng, dịch vụ được sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam mà cụ thể là phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ đó. Thuế GTGT đánh vào tiêu dùng trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam nên hàng xuất khẩu không chịu thuế GTGT.
• Tổng số thuế GTGT thu được qua tất cả các giai đoạn luân chuyển của hàng hóa, dịch vụ bằng với số thuế tính trên giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng.
• Thuế GTGT do người tiêu dùng cuối cùng chịu, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ là người nộp thuế vào NSNN thay cho người tiêu dùng thông qua việc cộng thuế vào giá bán mà người tiêu dùng phải thanh toán khi mua hàng hoá, dịch vụ.
• Bản chất là loại thuế tiêu dùng

Bài viết trên đây là quan điểm của tôi. Anh, chị nào có góp ý vui lòng comment phía dưới. Cảm ơn